Từ giữa thế kỷ 19 tới giữa thế kỷ 20, các công ty đường sắt có thói quen thưởng cho mỗi nhân viên lâu năm của mình một chiếc đồng hồ vàng. Do đó, chiếc đồng hồ vàng được coi là vật gắn liền với các công ty đường sắt - vốn là những người đầu tiên sáng tạo ra khái niệm hiện đại về chuẩn mực đúng giờ để lịch hoạt động của các chuyến tàu không bị xáo trộn.
Tuy nhiên, theo Marshal Cohen, một chuyên gia của công ty tư vấn bán lẻ NPD Group ở Washington, các hãng sản xuất đồng hồ hiện nay không còn coi yếu tố đúng giờ là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với sản phẩm của họ nữa. Đúng vậy, cách đây vài chục năm, những chiếc đồng hồ được đánh giá cao ở tính chính xác của chúng. Tuy nhiên, ngày nay, một chiếc đồng hồ 20 USD cũng cho thể cho biết giờ chính xác như chiếc đồng hồ đắt tiền nhất được chế tạo ở Thụy Sỹ. Vậy đâu là giá trị?
Thoạt đầu, chiếc đồng hồ điện tử giá rẻ và có độ chính xác cao có vẻ như là mốc đánh dấu cho ngày tận thế của ngành sản xuất đồng hồ đeo tay. Thêm vào đó, sự xuất hiện của hàng loạt sản phẩm điện tử từ máy nghe nhạc MP3 tới điện thoại di động đều có tính năng đồng hồ càng khiến những người trẻ tuổi càng thêm xa lánh những chiếc đồng hồ.
Vậy ngành sản xuất đồng hồ đeo tay có “chết”? Câu trả lời ở đây là “Không”. Trên thực tế, ngành này đã trở thành một ngành sản xuất đồ phụ trang, mà đồ phụ trang thì hiện đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của thời trang. Điều này đã dẫn tới sự thật là, công dụng thông báo thời gian đã trở thành yếu tố ít quan trọng nhất đối với ai đó muốn mua một chiếc đồng hồ đeo tay cao cấp. Theo chuyên gia Cohen, thay vào đó, thương hiệu, hình ảnh, vẻ thời trang và giá trị của chiếc đồng hồ mới là những gì họ quan tâm.
Andrew Block, Phó chủ tịch điều hành của hãng bán lẻ đồng hồ lớn nhất thế giới Tourneau, người đã theo dõi xu hướng này, nói: “Thương hiệu của chiếc đồng hồ bạn đeo là thông điệp khẳng định bạn là ai”.
Sự chuyển biến này đã đem đến thành công cho các hãng sản xuất đồng hồ cao cấp. Những con số thống kê từ Liên đoàn Công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu đồng hồ của Thụy Sỹ sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng lên 263 triệu USD, so với mức 185 triệu USD trong năm 2005. Như vậy, doanh số của đồng hồ Thụy Sỹ tại Mỹ tăng 7,3% trong 3 năm qua.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với mức tăng 45,5% của số lượng đồng hồ Thụy Sỹ được bán ra tại Hồng Kông trong cùng thời kỳ, hay 59,6% ở Nga.
Sự chuyển biến này cũng dẫn tới sự gia tăng sử dụng một số “thuật ngữ” mới như “thời trang đồng hồ” hay “trang trí cho cổ tay của bạn”. Những từ ngữ này đôi khi vẫn bị xem là ví dụ về “thủ thuật” của người bán hàng. Tuy hiên, trong nhiều trường hợp, đó lại là những từ ngữ phù hợp dành cho những chiếc đồng hồ đeo tay đẳng cấp cao.
Những chiếc đồng hồ loại này kiểm soát mọi thứ, từ chỗ là chiếc đồng hồ bấm giờ chính xác tới phần tỷ giây, tới cho biết chu kỳ của mặt trăng, độ cao của người đeo nó so với mực nước biển hay hiệu quả của một cú đánh golf của chủ nhân.
Giá thành của những chiếc đồng hồ như vậy là giá trị của những tính năng này, cộng với công sức mà các chuyên gia sản xuất đồng hồ phải bỏ ra, cộng với giá trị của lượng kim loại quý và đá quý tạo thành chiếc đồng hồ đó. Những khách hàng giàu có thường chi ra từ 5.000 - 10.000 USD để mua một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ, nhưng những nhà sưu tầm nghiêm túc có thể dễ dàng bỏ ra hàng trăm nghìn USD, thậm chí là cả triệu USD để mua một chiếc đồng hồ mà họ đánh giá cao.
Vào năm 1999, tại nhà bán đấu giá Sotheby ở Amsterdam, Hà Lan, một nhà sưu tập đồng hồ giấu tên đã mua một chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng có một không hai trên thế giới với giá kỷ lục 11 triệu USD. Đây là chiếc đồng hồ đeo tay có 24 chức năng do hãng sản xuất đồng hồ Patek Philippe lừng danh của Thụy Sỹ sản xuất vào năm 1933.
Tuy nhiên, phần lớn những ai đeo đồng hồ đắt tiền hiếm khi sử dụng các tính năng phức tạp của nó, thậm chí có người còn không biết cách sử dụng những tính năng đó. “Chẳng hạn như chiếc đồng hồ này”, Block chỉ vào một chiếc đồng hồ mà ông đang đeo trên tay. “Nó có rất nhiều chức năng, và tôi chẳng biết sử dụng ra làm sao. Quyển sách hướng dẫn sử dụng nó dày tới gần 3 cm”.
Chuyên gia Cohen cho biết thêm, mặc dù mức độ phức tạp của chiếc đồng hồ tạo ra sức hấp dẫn đối với người mua, đặc biệt là nam giới, nhưng một khi đã mua, ít ai sử dụng những tính năng đó. Phần lớn những người bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu một chiếc đồng hồ cao cấp chỉ cần biết “Thứ đang đeo trên cổ tay tôi thật tuyệt” là đủ rồi. Chiếc đồng hồ ngày nay rõ ràng không chỉ là vật dụng để xem giờ, đó còn là thứ để khẳng định đẳng cấp và tính cách của người sử dụng.